Được tạo bởi Blogger.

4 BƯỚC - Không chỉ rèn luyện... mà phải rèn luyện có cân nhắc!

0 comments
Nếu chỉ cần chăm chỉ rèn luyện, thì có rất nhiều người làm cùng một việc mỗi ngày, trong suốt nhiều năm trời. Vậy tại sao tất cả họ không trở nên tài ba xuất chúng? Tôi biết có những người đã dạy học 25 năm, đứng trước lớp hàng ngàn giờ nhưng phong cách dạy học buồn tẻ, khó hiểu của họ từ những ngày đầu vẫn không thay đổi. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng, chỉ “rèn luyện” không thôi chưa đủ. Nếu bạn liên tục làm một việc gì đó không đúng cách, bạn sẽ chỉ ngày càng giỏi làm việc đó không đúng cách. Không những thế, nếu bạn không thay đổi cách làm, bạn sẽ chỉ nhận được cùng một kết quả.


Rèn luyện không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự hoàn hảo. Rèn luyện tạo ra thói quen.

Thay vào đó, yếu tố khiến con người ta trở nên vượt trội được gọi là “rèn luyện có cân nhắc.” Để rèn luyện có cân nhắc, bạn cần bốn yếu tố sau...

1) Thường xuyên và không ngừng cải thiện

Trong khi rèn luyện, bạn phải tập trung vào việc không ngừng cải thiện kết quả của mình. Điều này đồng nghĩa với việc ghi nhận lại kết quả trước và sau mỗi lần tập luyện. Bạn phải đánh giá kết quả mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm để bảo đảm mình đang ngày càng tiến bộ. Nếu bạn đặt ra mục tiêu cải thiện kết quả lên 1% hàng tuần, bạn sẽ tăng được 66% sau 1 năm và 1.300% sau 5 năm. Đó là sức mạnh của sự tích lũy.

Nếu mục tiêu của tôi là trở thành nhà môi giới chứng khoán thành đạt, tôi sẽ xác định ra những kết quả cực kỳ cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn như đạt lợi nhuận 25% mỗi tháng. Một cách đo lường kết quả khác là đạt tỉ lệ thắng thua 7:3.

Sau đó, tôi sẽ đánh giá kết quả của mình trước mỗi đợt giao dịch. Ví dụ, ở thời gian đầu, tôi đạt lợi nhuận 5% mỗi tháng và tỷ lệ giao dịch thành công là 55%. Trong lúc giao dịch, tôi sẽ liên tục tự nhủ, “làm sao để đạt kết quả cao hơn?” hay “Có cách làm nào tốt hơn chăng?” Bằng cách không ngừng tự vấn bản thân bằng những câu hỏi đó, bạn sẽ đưa mình vào thế liên tiếp khám phá và áp dụng những chiến lược ngày càng tốt hơn, cho đến khi bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Nếu là một tay chơi gôn, tôi có thể đặt mục tiêu dùng gậy 350 lần và đưa bóng vào phạm vi 5 mét quanh lỗ. Tỷ lệ thành công là 80%. Tôi sẽ không ngừng ghi nhận kết quả, điều chỉnh, và thực hiện việc này nhiều giờ mỗi ngày – đó chính là phương pháp rèn luyện có cân nhắc nhằm đem đến cho bạn kết quả khả quan.

2) Thông tin phản hồi và điều chỉnh lại cho phù hợp

Những người thành công biết rằng cho dù giỏi đến cỡ nào, họ cũng phải luôn luôn lắng nghe

ý kiến phản hồi chân thành từ những tấm gương đi trước, những người thầy hay huấn luyện viên của họ. Tiger Woods là tay chơi gôn giỏi nhất thế giới, vậy mà anh vẫn cần một huấn luyện viên chuyên nghiệp. Tuy huấn luyện viên của anh không thể nào giỏi được bằng anh, thế nhưng ông có thể nhìn thấy được những điều trong các trận đấu mà chính bản thân anh, nhà vô địch, không nhận ra được.

Chúng ta thường cần đến sự giúp đỡ của những người thầy, những huấn luyện viên để giúp ta nhận ra điểm mù của bản thân và động viên thúc đẩy ta mỗi khi ta chểnh mảng. Chúng ta cần được phản hồi liên tục để khắc phục những điểm còn yếu đó và đứng vững trên đỉnh cao.

3) Lặp đi lặp lại

Biết làm là một chuyện. Làm được như những gì mình biết dưới áp lực cao lại là chuyện khác. Thực hiện nhiều lần chính là tác nhân biến kiến thức thành kỹ năng riêng của mỗi người.

Những người thành công có thể phát huy hiệu suất tối đa, ngay cả khi họ đang phải chịu áp lực nặng nề, là nhờ trước đó, họ đã làm đi làm lại việc này nhiều lần đến mức nó trở thành bản năng thứ hai của họ. Chúng ta đạt đến ngưỡng năng lực vô thức khi chúng ta có thể làm một việc gì đó một cách thoải mái tự nhiên, mà không cần suy nghĩ về nó. Chỉ khi chúng ta đạt đến “trạng thái trôi chảy” này, chúng ta mới thật sự trở nên xuất sắc.

Bí quyết để giỏi đến mức trông có vẻ như không tốn chút công sức nào chính là việc lặp đi lặp lại một hành động chính xác. Đó chính là lý do tại sao Lý Tiểu Long tập một cú đá đơn giản hơn 10.000 lần và Michael Jordan tập thảy banh vào rổ 200 lần mỗi ngày.

4) Nới rộng vùng thoải mái

Bên cạnh việc thực hiện nhiều lần cho đến khi thành thạo, bạn cũng cần đẩy bản thân mình ra khỏi vùng thoải mái. Vùng thoải mái là những tình huống, thời điểm mà bạn cảm thấy an toàn, thoải mái hoặc có thể kiểm soát được. Khi bạn đẩy mình ra khỏi những giới hạn, vùng thoải mái của bạn sẽ được nới rộng ra. Vào thời điểm tâm trí bạn được thử thách ở một phạm vi mới, nó sẽ không bao giờ trở lại như cũ nữa.

Vậy thì, nếu chạy 5 km trong vòng 1 giờ là quá dễ dàng đối với bạn, hãy thử động viên mình chạy thêm 500 m mỗi tuần. Với tất cả sự kiên trì, chỉ trong vòng mấy tháng, bạn sẽ có thể tham gia một cuộc chạy đua marathon dài 42 km. Trong thực tế, đây chính là cách người ta tập chạy marathon hoặc rèn luyện để đạt được những kỳ tích. Ngay khi họ cảm thấy mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng thoải mái, họ lại bắt đầu nỗ lực hơn nữa, từng chút từng chút một cho đến khi họ tạo ra bước đại nhảy vọt.