Sau đây là bốn bí quyết giúp bạn cải thiện bản thân mỗi ngày.
1) Luôn cởi mở
Hãy giữ cho đầu óc cởi mở để sẵn sàng đón nhận những phương pháp mới mẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc của ngành công nghiệp sản xuất đồng hồ đeo tay Thụy Sĩ chính là lối tư duy thủ cựu rằng đồng hồ phải có kim chỉ giờ. Lối suy nghĩ hạn hẹp này đã ngăn trở họ theo đuổi những ý tưởng khác lạ.
Không bao giờ cho phép bản thân mình mắc kẹt với niềm tin rằng sự việc chỉ có một hướng giải quyết duy nhất. Tư duy đó chắc chắn sẽ giới hạn năng lực cách tân và thay đổi của bạn. Luôn sẵn sàng đối mặt với những điều không ai ngờ đến.
Tôi từng cho rằng những người trẻ tuổi hơn tôi mới tìm đến đăng ký khóa học và thoải mái tiếp thu những gì tôi truyền đạt. Thế nên có một dạo, cách nghĩ thiển cận đó đã khiến tôi e dè khi dấn thân vào lĩnh vực đào tạo. Cuối cùng khi tôi dẹp bỏ niềm tin giới hạn đó sang một bên, sự nghiệp (và công việc kinh doanh) của tôi tăng trưởng lên gấp 10 lần!
Và bạn cần tránh câu, “tôi biết...” bởi nó sẽ dập tắt mọi ham muốn học hỏi và khám phá những chân trời mới. Chẳng hạn, nếu tôi hỏi bạn có biết gì về “đầu tư” hay không và bạn trả lời, “tôi biết” thì ngay lập tức tâm trí bạn sẽ đóng cửa không chịu nạp thông tin mới nữa. Một khi cho rằng “ly nước” của mình đã đầy thì không ai đổ thêm nước vào ly được. Để giữ cho ngọn lửa đam mê học hỏi cháy mãi, tôi luôn tự nhủ, “đến giờ mình chỉ biết...” Suy nghĩ đó cho phép tôi sẵn sàng tiếp thu mọi thứ mới mẻ diễn ra hàng ngày.
2) Quyết tâm thực hiện những cải tiến kiên trì, vững chắc
Khi đã sẵn sàng đón nhận cái mới, bạn phải liên tục thực hiện những cải tiến vững chắc trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Hãy bắt đầu ngay từ hôm nay.
Cho dù bạn đang làm việc, dành thời gian cho gia đình hay tập thể dục, hãy tự đặt ra hai câu hỏi:
a. “Có phải mình đang làm việc này theo cách y hệt như trước đây?”
b. “Làm thế nào để làm việc này tốt hơn?”
Hai câu hỏi trên sẽ giúp bạn tập trung tâm trí vào việc tìm cách cải tiến mọi thứ, từng chút một. Nó sẽ là động lực thúc đẩy bạn nâng cao chuẩn mực của chính mình.
Để bắt đầu quá trình này, hãy dành ra vài phút viết xuống một phương pháp cụ thể mà bạn có thể áp dụng để cải tiến từng lĩnh vực cuộc sống.
a) Sự nghiệp hoặc công việc kinh doanh:
Bạn làm gì để nâng cao hiệu suất làm việc hay điều hành công ty?
b) Quản lý tài chính cá nhân:
Làm thế nào để bạn cải thiện cách quản lý, chi tiêu hay đầu tư tiền bạc?
c) Sức khỏe:
Bạn làm sao để tăng cường chế độ dinh dưỡng, sức khỏe và năng lượng cho mình?
d) Mối quan hệ:
Bạn làm gì để cải thiện mối quan hệ với bạn bè và người thân? Làm cách nào để bạn giao tiếp hiệu quả hơn hoặc biết trân trọng họ hơn?
Sau khi hoàn tất, hãy bắt tay vào hành động ngay để gặt hái thành quả. Lặp lại quy trình này mỗi tháng và cải tiến từng bước chút một, cùng với thời gian bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt to lớn.
3) Thường xuyên nâng cấp bản thân
Để nuôi dưỡng những ý tưởng mới và nguồn cảm hứng, bạn phải thường xuyên trau dồi kiến thức và thông tin mới cho não bộ. Hãy đầu tư ít nhất 5% thu nhập mỗi năm của bạn vào các khoá học, hội thảo chuyên đề và sách phát triển bản thân. Mỗi ngày hãy dành ít nhất 10% thời gian để đọc sách báo hoặc những trang web giúp bạn nâng cao kiến thức và kỹ năng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Cá nhân tôi không ngừng tìm đọc những bài viết liên quan đến nghê thuật giao tiếp, lãnh đạo, kinh doanh, quản lý tài chính, nuôi dạy con, các mối quan hệ, v.v... Việc bổ sung những ý tưởng mới giúp tôi dễ dàng tìm ra những phương pháp tốt hơn cho mọi việc. Chúng ta sẽ bàn nhiều hơn về điều này ở chương sau.
4) Dám phạm sai lầm
Điều khiến nhiều người ngần ngại không dám thay đổi chính là nỗi sợ thất bại, sợ bước ra khỏi môi trường an toàn trước nay của mình. Bạn không thể để những điều này cản bước chân mình.
Trong quá trình thay đổi, chắc chắn bạn sẽ vấp phải sai lầm. Sẽ có những lúc mọi việc không như bạn mong đợi. Tuy nhiên, những người thành công không xem đó là thất bại, mà đơn thuần là những bài học kinh nghiệm giúp họ từng bước tìm ra cách làm đúng đắn. Hãy nhớ, khi bạn hành động, bạn tự tạo cho mình cơ hội gặt hái thành quả mới. Không hành động nghĩa là không có gì hết. Vì vậy hãy dũng cảm đón nhận rủi ro bởi việc tránh né rủi ro chính là rủi ro lớn nhất.
“Tất cả những gì bạn muốn đều nằm ngoài vùng an toàn của bạn.”
Robert Allen, tác giả của những đầu sách bán chạy nhất thế giới
Cuối cùng, hãy thoát khỏi những gì quen thuộc và trải nghiệm cái mới. Đây chính là bí quyết phát triển bản thân. Tại thời điểm bạn vươn đến một tầm cao mới cả về thể chất lẫn tinh thần, bạn sẽ không bao giờ quay lại trạng thái trước đó nữa.