« Sự việc sẽ diễn ra như bạn tin, và chính niềm tin đó khiến sự việc xảy ra như thế ».
Frank Lloyd Wright
Khi con người biện hộ cho hạn chế của mình, họ nói : « Tôi không thể thực hiện X vì… ».
Lời biện hộ thông thường là : « Bản chất của tôi là vậy đó ».
Thường thì sự thật là : « Tôi nghĩ bản chất tôi là vậy đó ».
Chúng ta có thể học về niềm tin của mình bằng cách nghiên cứu loài cá.
(Thí nghiệm sau được thực hiện tại Viện Hải Dương Học Woods Hole).
Hãy tìm mua một hồ cá. Chia nó làm hai bằng một tấm kính, thế là bạn có loại hồ cá « kép ».
Bạn thả vào một bên một con cá nhồng – chúng ta sẽ gọi nó là Bary và bên kia một con cá đối.
(Cá nhồng ăn cá đối). Ngay lập tức, con cá nhồng sẽ lao đến chộp con cá đối và…bum… tông vào tấm kính lúc đang hả to họng. Nó quay đầu và lại trở lại để đớp lần nữa…bum!
Trong vòng vài tuần, Barry sẽ rất đau mũi.
Cuối cùng, nó cho rằng săn cá đối đồng nghĩa với phải chịu đau và từ bỏ không săn nữa.
Lúc đó bạn có thể lấy tấm kính ra và bạn hãy đoán xem ! Suốt cuộc đời còn lại của mình, nó sẽ ở mãi bên phía của nó trong hồ. Nó sẽ vui vẻ nhịn đói cho đến chết, trong khi con các đối chỉ bơi cách đó vài cm.
Nó biết giới hạn của nó và nó sẽ không bước ra khỏi giới hạn đó.
Câu chuyện của Barry có tội nghiệp không ? Đó cũng chính là câu chuyện của con người.
Chúng ta không tông vào tấm kính mà tông vào thầy giáo, vào cha mẹ và bạn bè, những người bảo chúng ta giỏi chỗ nào và có thể làm gì. Tệ nhất là chúng ta tông vào niềm tin của chính chúng ta.
Niềm tin của chúng ta giới hạn lãnh thổ của ta, ta biện hộ cho nó và không bước ra khỏi nó.
Con cá nhồng Barry nói : « Tôi đã từng tấn công hết sức mình, vì thế bâu giờ tôi chỉ bơi theo hình tròn ».
Chúng ta nói : « Tôi đã cố gắng nhiều nhất cho việc học, hôn nhân, công việc của tôi trước đây… »
Chính chúng ta tạo nên cái chuồng kính cho mình và nghĩ rằng nó thật sự tồn tại.
Thật ra, đó chỉ là cái chúng ta tin.
Và con người bám riết lấy niềm tin của họ như thế nào ?
Hãy thử nói chuyện tôn giáo và chính trị ở một bữa tối xem !
Nhưng tôi biết tôi đúng !
Có buồn cười không ?
Ai trong chúng ta cũng biết về thế giới một cách khá khác nhau và ai cũng cho rằng điều mình tin là đúng.
Tại sao ?
Bởi vì tất cả chúng ta đều đúng !
Fred tin rằng cuộc sống thật khó khăn và anh ta phải làm việc 70 giờ để kiếm sống. Anh ta đọc phần quảng cáo trong báo và thấy một quảng cáo việc làm tại vùng ngoại ô lân cận… » Giờ làm việc linh hoạt, nhiều cơ hội đi lại bằng xe công ty, lương hậu ». Fred nói : « Quá tốt để tin đó là sự thật – chắc là một cái bẫy đây ! ». Fred tìm tiếp và lại đọc thấy một quảng cáo khác, lần này là làm tài xế hai tiếng một ngày trong thành phố. » Tự lo xe, làm liên tục và lương thấp ». Fred nói : » Cái này nghe dễ tin hơn ! ».
Anh ta đến phỏng vấn, sếp nói : » Sản phẩm của chúng tôi làm người ta gớm, khách hàng ghét chúng tôi, còn ông chủ thì thật kinh khủng. Nếu anh muốn làm việc ở đây thì anh quả là người điên ! » Còn Fred nói : » Khi nào tôi có thể bắt đầu ? ».
Fred đã chứng minh được lý thuyết của anh tra về cuộc đời là đúng, anh ta đau khổ và ít nhất anh ta vui vì được đau khổ.
Khi đang trưởng thành, thầy giáo, cha mẹ và bạn bè bảo chúng ta : « Bạn rất dở toán, bạn hát như vịt và không thể học vẽ được ». Họ nói : « Cuộc sống của bạn sẽ khốn khổ, bạn sẽ luôn rỗng túi, và đổ lỗi cho người khác…Đó là kịch bản của bạn, hãy sống với nó ! ».
Chúng ta ra đời và làm đúng như vậy, giống như trong một vở kịch.
Chúng ta tin điều đó dù nó có làm hỏng đời ta.
Hãy hỏi Fred rằng biết đâu anh ta không tin vào điều gì đó mà anh ta đã chấp nhận trong 40 năm qua, anh ta sẽ buồn bực : » Tôi đã khổ sở trong 40 năm với niềm tin này. Bạn muốn tôi từ bỏ nó bây giờ và thừa nhận là tôi đã tạo ra mớ hỗn độn này à ? »
Hầu hết chúng ta thích được « đúng » hơn là hạnh phúc.
Vấn đề của tôi là gì ?
Hầu hết chúng ta đều có một « vấn đề ».
Chúng ta đặt tên cho mình : » Tôi là một giáo viên trung học », » Tôi là bà ngoại » , « Tôi là người của thời đại mới ».
« Vấn đề « của chúng ta giống như một chương trình phần mềm, lắp vào lỗ tai và kiểm soát cuộc sống của chúng ta. Đó là hành trang sống của mỗi chúng ta. Chúng ta mang nó đến nơi làm việc, trong ngày nghỉ lễ.
Tại những bữa tiệc chúng ta lôi nó ra « Tôi là một người đã ly dị », »Tôi là một đứa trẻ bị ngược đãi », « Tôi đang bước trên con đường thênh thang ! ».
Chúng ta dành cả đời để tô điểm cho những câu chuyện.
Chúng ta mua sắm và chọn bạn để hoàn thiện câu chuyện của mình.
Jim là một bác sĩ. Anh ta tự nhủ : » Tôi phải cư xử như một bác sĩ và nói chuyện như một bác sĩ. Tôi cần có một căn nhà ở một đường phố lớn và có sở thích như một bác sĩ ». Anh ta vẽ ra được vai kịch đời mình nhưng thật tội nghiệp, Jim quá ngớ ngẩn.
Cố gắng hoàn thiện « vấn đề của mình » làm cho chúng ta khổ sở.
Nếu câu chuyện của tôi là « Tôi là một giáo viên trung học », thì khi bị mất việc, tôi không còn là ai cả. Nếu câu chuyện của tôi là « Tôi là một cô chủ nhà hoàn hảo » thì tôi đã làm cho mình phải khổ sở vì theo tôi chẳng có buổi tối nào tuyệt vời. Hàng xóm đến dùng cơm tối thì tôi nấu cháy món cà rốt xào, tôi làm hỏng mọi chuyện.
Làm ơn hiểu cho…
Bạn không phải như câu chuyện của bạn nghĩ và dù sao cũng không ai quan tâm.
Bạn không thuộc vào loại nào hay xó nào. Bạn là con người có một lô kinh nghiệm.
Khi bạn thôi không kể lể chuyện của mình thì bạn sẽ không phải « xem kịch bản » nữa.
Khi viết điều này, tôi nghĩ đến những người bạn Thụy Điển của tôi, Annna và Per- Erik. Lúc quá tuổi 70 và bắt đầu sang tuổi 80, họ vẫn đi du lịch vòng quanh thế giới. Per-Erik còn đi trượt băng và mê tít internet. Còn Anna thì thích khiêu vũ đến tận 4 giờ sáng. Họ dường như chẳng có « vấn đề gì- họ có nghị lực ».
Bạn có nhận ra những câu chuyện sau không ?
« Tôi là người rất quan trọng – người ta đối xử với tôi rất đúng cách ! »
Một số người cho là người khác luôn nhận ra họ, biết họ giàu và có bao nhiêu bằng cấp. Khi bạn muốn người khác cho rằng bạn quan trọng thì bạn sẽ khổ vì hạnh phúc của bạn nằm trong tay họ. Hãy bỏ suy nghĩ « ta là quan trọng », mệt lắm ! Khi không còn là người « quan trọng « nữa thì bạn có thể thư giãn. Bạn càng ít đòi hỏi người khác ngưỡng mộ bạn bao nhiêu, bạn càng nhận được điều đó bấy nhiêu.
« Tôi là loại người không bao giờ… »
( đi du lịch bằng vé hạng sang, tắm hơi, đi nhà hát và ăn trong nhà hàng).
Khi bạn tự nhủ » Tôi không bao giờ » hay « Tôi luôn luôn » thì chúng ta bị mắc vào đó nhưng đó chỉ là việc nói ra « câu chuyện » riêng của bạn.
Chúng ta còn những câu chuyện khác nữa như « Tôi rất nhạy cảm, việc gì cũng làm tôi suy nghĩ ». « Tôi là người đàn ông thực thụ ». « Tôi là người theo đạo Thiên chúa, vì thế tôi luôn… » « Tôi quá già nên không thể… »
Mẹ tôi bắt đầu viết quyển sách đầu tiên của bà vào tuổi 67. Mẹ tôi mất ở tuổi 68 và không bao giờ hoàn thành được quyển sách của mình. Nhưng bà đã bắt đầu và rất hạnh phúc vì điều đó.
Chỉ có một cách là bạn phải học và thích những gì bạn làm, cho đến phút cuối cùng.
Nếu bạn viết được nửa cuốn sách, xây được một nửa căn nhà và bị tai nạn mà chết, bạn có lo lắng gì không ?
ĐÚC KẾT
Hãy tự hỏi mình : » Tôi phải làm gì nếu tôi không có « vấn đề » nào ? »
Vậy tôi phải từ bỏ đi niềm tin nào của mình ?
Bất kỳ niềm tin nào làm cho bạn nghèo và khổ sở !
Nếu những niềm tin của bạn không giúp bạn, hãy bỏ chúng đi !
Không phải là chúng không đúng mà là chúng chỉ gây cho bạn đau khổ.
Để bắt đầu, hãy coi chừng những niềm tin có chữ « nên » :
Người ta NÊN trả ơn !
Người ta NÊN khen tôi ! Nếu tôi làm việc giỏi, chồng tôi phải để ý.
Người ta NÊN yêu lại tôi !
Người ta NÊN biết điều hơn !
Người ta NÊN biết ơn hơn !
Danh sách » Nên » này dường như là một tập hợp những mong đợi.
Nhưng sẽ ra sao nếu bạn không giữ lấy cái nào trong những niềm tin này ?
Sẽ ra sao nếu người ta không buộc phải đồng ý với bạn là phải trả ơn, phải để ý việc làm tốt của bạn, đáp lại tình yêu của ban ?
Cái đó ảnh hưởng đến đời bạn như thế nào ?
Bạn sẽ không mất đi sự tôn trọng hay ngưỡng mộ nào?
Khi người khác không làm những việc này, bạn vẫn cứ hạnh phúc.
Những niềm tin « Nên làm » không giúp chúng ta vì hiện thực không hiểu được chữ « Nên ».
Sự thật luôn tồn tại như thế. Nếu bạn phê bình thực tại thì thực tại sẽ thắng.
Những niềm tin của bạn quyết định cuộc đời bạn
Ví dụ : Bạn tin rằng cha mẹ nên khen con cái mình và cho chúng thật nhiều quà. Khi cha mẹ không làm như vậy thì đứa trẻ sẽ buồn. Vì thế nó muốn thay đổi cha mẹ !
Đa số chúng ta không xem xét giải pháp thứ hai : thay đổi niềm tin.
Bạn nói : » Nhưng không phải là ai cũng tin vậy sao ? »
Không ! Một số người không tin và họ sung sướng vì điều đó.
Một số không mong đợi ai đó sẽ hành động theo khuôn mẫu.
Kết quả là chúng ta sẽ có được sự bình an trong tâm hồn.
Muốn nhìn sự việc khác đi, bạn không cần phải có ý chí, phải rất tự tin hay phải giải phẫu não.
Bạn chỉ cần có can đảm để suy nghĩ điều khác biệt.
Nếu có ưu phiền, bạn hãy nhớ là không có nhiều người làm bạn giận như bạn tưởng.
Dù bất cứ ý nghĩ nào làm bạn đau khổ, đó cũng chỉ là ý nghĩ. Bạn có thể thay đổi một ý nghĩ.
CÔNG VIỆC CỦA TÔI LÀ NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ RẮC RỐI
Chúng ta thường đổ lỗi cho công việc, nhưng chính chúng ta là nguyên nhân.
Giả sử công việc của bạn là nguyên nhân phiền toái, và bạn cũng tin rằng « công việc là cái phiền toái ». Nếu bạn xin một việc làm thú vị thì điều gì sẽ xảy ra ? Một là bạn không xin được việc làm vì người ta thấy bạn chẳng thích thú gì, hai là bạn có được việc làm nhưng lại làm cho nó trở nên chán ngắt.
Nếu bạn tin ngược lại, rằng » công việc là thú vui ».
Nếu bạn làm một công việc chán chết thì sẽ có một lúc bạn sẽ nói : « Việc này đang làm tôi sa sút tinh thần và ngược lại với những gì tôi tin. Tôi không thể làm thêm ngày nào nữa ».
Những niềm tin căn bản nhất của bạn sẽ làm cho bạn hướng đến điều tốt đẹp hơn bằng bấy kỳ cách nào.