Được tạo bởi Blogger.

VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH: Sức mạnh của SỰ ĐỐI LẬP & 4 NIỀM TIN

0 comments
Vậy điều gì đã thúc đẩy tôi vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất?

Điều gì cho tôi năng lực đấu tranh để không đầu hàng bỏ cuộc?

Thêm chú thích
Bí quyết đầu tiên của tôi chính là sức mạnh của sự đối lập.

Đa số mọi người khi gặp rắc rối đều thấy vấn đề sao kinh khủng và đau đớn cùng cực. Thường thì đây chỉ là nhận thức của người trong cuộc mà thôi. Bạn cần nhớ điều này, dù bạn đang gặp chuyện gì đi nữa thì vẫn còn hàng ngàn, hàng vạn người khác đang gánh chịu những chuyện còn kinh khủng hơn thế gấp chục lần.

Hãy nghĩ về trận động đất và đợt sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản, về hàng chục ngàn người đã mất đi người thân vào tháng ba năm 2011 trong đau đớn tuyệt vọng, cạn kiệt thức ăn và nước uống, phải chịu cảnh màn trời chiếu đất và mang thương tích trầm trọng.

Cùng lúc – ta còn nghe những câu chuyện ấm lòng về những người đàn ông và phụ nữ bình thường phút chốc trở thành những người hùng của Nhật Bản – họ quên đi bản thân bé mọn, vượt qua bao gian khó để dang tay giúp đỡ người khác. Do đó, để tìm nguồn cảm hứng, tôi đọc những mẩu chuyện về những cá nhân đang phải trải qua thử thách nghiệt ngã của cuộc đời để xem họ đứng lên bằng cách nào. Sau khi đọc xong, tôi bỗng nhận ra chuyện của mình thật chẳng là gì cả.

Một trong những câu chuyện hấp dẫn tôi nhất là câu chuyện về gia đình Hoyt. Chuyện kể về người cha (Dick) yêu thương đứa con tật nguyền của mình (Rick) sâu sắc. Tình yêu thương đó là động lực khiến anh tự mình nuôi con khôn lớn thay vì mang đứa trẻ vào cô nhi viện. Rick bị bại não bẩm sinh và bị liệt từ cổ trở xuống. Cậu bé không đi lại hay nói chuyện được. Dù bác sĩ cho biết con trai anh vĩnh viễn không thể đến trường hoặc đi làm, Dick vẫn không bỏ rơi con.

Niềm đam mê thể thao của Rick thúc đẩy hai cha con đăng ký cuộc thi chạy đồng đội: người cha chạy bộ đẩy xe lăn chở Rick trên đó. Đến ngày hôm nay, hai cha con họ đã cùng nhau tham gia tổng cộng 950 cuộc chạy đua, 60 cuộc thi ma-ra-tông và thậm chí còn sáu lần hoàn thành cuộc thi ba môn phối hợp Iron Man.

Suốt cuộc hành trình, Dick đẩy, kéo, thậm chí cõng đứa con của mình bơi 3,9 km, đạp xe 180 km và chạy 42km. Rick còn tốt nghiệp đại học Boston và tìm được công việc toàn thời gian. Có phải những trở ngại của chúng ta quá nhỏ bé so với những gì cha con họ đã trải qua không? (Hãy tìm xem trên Youtube những đoạn video quay hai cha con nhà Hoyt, bạn sẽ cảm động đến rơi nước mắt).

Bên cạnh sức mạnh của sự đối lập, còn bốn niềm tin khác giúp tôi vượt qua những thời điểm gian khó nhất trong đời:


Niềm tin 1: Mọi chuyện xảy ra đều có lý do riêng của nó


Nhiều người bỏ cuộc khi đời khắc nghiệt vì họ thấy nỗi đau mà họ gánh chịu quá vô vọng và bất công. Khi họ vấp ngã hoặc bị cản bước, họ xem đó là thông điệp rằng mình không đủ khả năng, rằng những gì họ đang làm chẳng là gì cả, hoặc vì họ kém may mắn. Họ có xu hướng tự vấn bản thân, ”tại sao chuyện này lại xảy ra với mình?”

Tôi luôn giữ cho mình sự tự tin và nhiều động lực vì tôi biết mọi chuyện dù bây giờ trông có vẻ tồi tệ đến mấy đều xảy ra vì một lý do tốt đẹp nào đó. Hoặc là chúng mang đến cho tôi bài học quý giá để ngày một hoàn thiện hơn, hoặc đôi khi trong cái rủi có cái may. Miễn là tôi tiếp tục hành động thì mọi “vấn đề” sẽ sớm biến thành “vận may”. Niềm tin này luôn giúp tôi vững bước.

Yếu tố tạo nên sức lôi cuốn của quyển tiểu thuyết “Harry Potter” nằm ở cách J. K. Rowling vẽ nên chân dung nhân vật và những khoảnh khắc đáng nhớ làm khơi dậy trí tưởng tượng trong ta và khiến trái tim ta rung động. Cảm hứng của bà từ đâu mà có? Trớ trêu thay, nó lại đến từ những phút giây bi thảm nhất cuộc đời bà. Trước khi mẹ qua đời, Rowling có một cuộc sống bình thường và yên ổn... không có trải nghiệm gì đáng kể giúp bà sáng tác nên tuyệt phẩm ấy.

Sau khi mẹ bà qua đời vì cơn bạo bệnh, và khi Rowling viết xuống những dòng đầu tiên, bà đủ sức miêu tả một cách trung thực nỗi đau mất đi cả cha lẫn mẹ của cậu bé Harry Potter, vì bà hiểu rõ nỗi đau ấy như thế nào. Khi hôn nhân tan vỡ, bà rơi vào trầm cảm, căn bệnh mang đến ý tưởng về những “Tử Thần Thực Tử”, sinh vật chực chờ nuốt sống linh hồn con người xuất hiện trong phần ba của bộ truyện. Những thời khắc u ám nhất đó chính là chất xúc tác cần thiết làm nên thành công vang dội của quyển tiểu thuyết. Tất cả mọi việc xảy ra đều có lý do của nó.

Trường hợp của Soichiro Honda thì sao? Nếu người Mỹ không tấn công Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai và đánh bom nhà máy của ông hai lần, Honda có thể đã vận hành nhà máy và cung cấp vòng găng pít-tông cho Toyota đến hết đời – công việc của một nhà thầu phụ nhỏ bé. Đồng thời, chính nhờ tình trạng khan hiếm xăng dầu đã thúc đẩy Honda đổi mới và sáng tạo nên chiếc xe máy hạng nhẹ đầu tiên trên thế giới. Phát minh của ông đã vực dậy nền kinh tế Nhật Bản, mở đường cho sự ra đời của tập đoàn Honda.

Vậy thì những khi bạn bị nghịch cảnh cản đường, hãy luôn nhớ rằng mọi chuyện đều có lý do của nó. Khi đã vượt qua và nhìn lại, bạn sẽ thấy thành quả hôm nay có sự đóng góp của nghịch cảnh ấy.


Niềm tin 2: Bi kịch dù đau đớn đến mấy cũng phải có hồi kết


Niềm tin thứ hai đã giúp tôi đứng vững qua bao sóng gió chính là đây: dù chuyện có tồi tệ đến thế nào, khó khăn rồi cũng có hồi kết thúc. Không có trở ngại nào tồn tại mãi mãi. Thời kỳ suy thoái nào cũng sẽ chấm dứt, tiếp đến là những chuyển biến tích cực và thịnh vượng của nền kinh tế.

Nỗi đau sau một mối quan hệ bất thành sẽ dần trôi qua, mở ra cơ hội cho những mối quan hệ mới tốt đẹp hơn. Chỉ cần chúng ta có đủ sức mạnh tinh thần để đặt dấu chấm hết cho vết thương cũ và dọn mình đón nhận một khởi đầu mới. Tự tử quả thật là một bi kịch. Đối với tôi, tự tử giống như đưa ra giải pháp vĩnh cữu cho một khó khăn tạm thời.

Cũng chính niềm tin này đã mang đến cho tôi cơ hội kiếm bộn tiền trong cuộc khủng hoảng tài chính Hoa Kỳ. Vào tháng một năm 2009, thị trường chứng khoán rơi tự do khiến nhiều người cho rằng nó sẽ không bao giờ hồi phục. Giá cổ phiếu cứ giảm dần từng ngày mà không có dấu hiệu chững lại. Thị trường chứng khoán Hoa Kỳ giảm 55% trong khi những thị trường chứng khoán châu Á như Singapore hay Hong Kong giảm hơn 60%.

Nhiều người chấp nhận bán đổ bán tháo và chịu lỗ khủng hoặc không dám mua vào khi giá quá thấp. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng cơn khủng hoảng này sẽ kết thúc, kéo theo nó là sự hồi sinh mạnh mẽ. Thế là cũng trong tháng ấy, tôi viết quyển ”Profit From The Panic” (Lợi Nhuận Từ Khủng Hoảng) trong vòng 30 ngày và đầu tư 80% số tiền dành dụm vào thị trường chứng khoán. Không nghi ngờ gì nữa, chỉ hai tháng sau, tháng ba năm 2009, cơn khủng hoảng kết thúc và thị trường chứng khoán phục hồi mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đạt kỷ lục trong vòng 50 năm qua. Cổ phiếu tôi từng mua với giá 2 đô la giờ đây có giá 12 đô la, mang đến cho tôi một gia tài kha khá.


Niềm tin 3: Thứ gì không giết được ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn


Niềm tin thứ ba mà tôi có là bất cứ thứ gì không giết được tôi sẽ làm tôi mạnh mẽ hơn. Cha mẹ tôi ly hôn vào năm tôi 13 tuổi, chính vì vậy mà tôi trở nên vững vàng hơn về mặt tình cảm. Tôi học cách tự lập và đứng trên đôi chân của mình. Trong khoảng 16 đến 22 tuổi, tôi bị ba cô bạn gái “cho ra rìa” vì họ nghĩ rằng tôi thật tẻ nhạt. Nhờ đó mà tôi trở nên sắc bén hơn trong chuyện nhìn người và thậm chí cứng rắn hơn về cảm xúc.

Tôi đã mất 150.000 đô vào thị trường chứng khoán thời còn chân ướt chân ráo vào nghề khi ở độ tuổi 20. Kinh nghiệm này khiến tôi trở thành nhà đầu tư khôn ngoan và hiểu biết ngày hôm nay. Khi công ty thiết kế nội thất của tôi phá sản tám năm trước và tôi vẫn sống sót, vậy nên giờ tôi chẳng sợ bất kỳ thất bại nào trong kinh doanh nữa. Vì vậy hãy nhớ, bạn sẽ luôn trỗi dậy mạnh mẽ hơn sau những bi kịch hay thất bại.


Niềm tin 4: Trước bình minh là đêm dài tăm tối


Cuối cùng, niềm tin mang đến sức mạnh và cảm giác vững lòng nhất cho tôi chính là: hết đêm sẽ sang ngày. Nghĩa là khi mọi thứ đã chạm đáy, nó sẽ bật lên lại. Bạn có biết thời khắc trước khi mặt trời mọc thường là lúc trời tối nhất không?

Bạn có biết trước khi thị trường chứng khoán đảo chiều và bắt đầu hồi phục, đa số mọi người đều hoảng loạn và bán toàn bộ những gì họ có? Người ta gọi đó là “hiệu ứng bỏ cuộc”. Chỉ khi tất cả những người bán cổ phiếu đầu hàng và bán tất tần tật mọi thứ, người mua mới vào cuộc và bắt đầu đẩy giá cổ phiếu lên.

Khi xem phim, bạn sẽ nhận ra kịch bản tương tự. Ngay trước khi đi đến cái kết có hậu, nhân vật chính thường trải qua giai đoạn dường như vô vọng. Rồi mọi thứ bất ngờ chuyển biến và bộ phim kết thúc tốt đẹp. Mặc dù nghe khá nhàm chán, nhưng cuộc sống đúng là như vậy. Rất nhiều người gục ngã ngay thời điểm đen tối nhất và không cầm cự nổi để nhìn thấy ánh bình minh không lâu sau đó.


“Đa số các vĩ nhân thường làm nên đại cuộc ngay sau thất bại ề chề nhất.” ---- Napoleon Hill